
Văn phòng
Số 2 Nguyễn Tất Thành, Q4, Tp.HCM (Phòng A. 202)
Điện thoại: 08.9400989 - số máy nhánh: 170
Thành phần và cơ cấu
Khoa Luật dân sự là một Khoa lớn của Trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với đội ngũ giảng viên có trình độ cao, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề.
Khoa được thành lập với 03 Bộ môn là Bộ môn Luật dân sự, Bộ môn Luật lao động, Bộ môn Luật tố tụng dân sự và hôn nhân gia đình.
Lãnh đạo Khoa hiện nay gồm 03 thành viên (01 Trưởng Khoa và 02 Phó Trưởng Khoa).
Khoa Luật dân sự có 41 giảng viên bao gồm 03 Phó giáo sư - Tiến sỹ, 08 Tiến sỹ và 30 Thạc sỹ. Trong số các giảng viên của Khoa có 02 giảng viên cao cấp, 03 giảng viên chính, nhiều giảng viên được đào tạo tại nước ngoài hoặc đã giảng dạy, là Giáo sư thỉnh giảng tại các cơ sở đào tạo đại học nước ngoài.
Chức năng, nhiệm vụ
Khoa Luật Dân sự quản lý chuyên môn và giảng dạy các học phần bắt buộc bao gồm Luật Dân sự; Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Tố tụng dân sự, Luật Hôn nhân & gia đình; Luật Lao động và các môn thuộc các học phần tự chọn có định hướng như Giao dịch dân sự về nhà ở; Kỹ năng đàm phán, soạn thảo và giao kết hợp đồng; Kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự; Quyền nhân thân; Hợp đồng dân sự thông dụng; Pháp luật an sinh xã hội; Pháp luật về người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; Lý luận về chứng cứ trong tố tụng dân sự; Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật thi hành án dân sự; Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Khoa Luật Dân sự trang bị cho sinh viên những kiến thức pháp luật có liên quan đến các lĩnh vực dân sự, sở hữu trí tuệ, lao động, tố tụng dân sự, hôn nhân gia đình. Các lĩnh vực này đều rất thực tế và gần gũi với đời sống hàng ngày. Bên cạnh những giờ học lý thuyết là những giờ thảo luận, thực hành được xen kẽ, lồng ghép giúp sinh viên có thể vận dụng kiến thức giải quyết các tình huống phát sinh từ thực tiễn. Không chỉ thế, Khoa Luật Dân sự còn chú trọng trang bị cho sinh viên những kỹ năng cần thiết cho công việc sau này thông qua các môn học tự chọn như Kỹ năng đàm phán, soạn thảo và giao kết hợp đồng; Kỹ năng giải quyết tranh chấp dân sự…
Bên cạnh hoạt động giảng dạy – học tập, Khoa Luật Dân sự cũng rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên. Hàng năm, nhiều hội thảo, tọa đàm liên quan đến pháp luật dân sự được tổ chức; nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp trường, cấp Bộ, cấp Nhà nước được thực hiện; nhiều bài báo của các giảng viên trong Khoa được công bố trên các tạp chí chuyên ngành luật uy tín trong và ngoài nước. Hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng luôn được Khoa khuyến khích và thúc đẩy.
Những kết quả tiêu biểu
Khoa Luật Dân sự luôn lấy tôn chỉ là ưu tiên hàng đầu cho chất lượng giáo dục, lấy việc học tập của sinh viên là mục tiêu hoạt động. Chính vì vậy, Khoa Luật Dân sự là Khoa đầu tiên trong Trường có đầy đủ bộ giáo trình phục vụ học tập, là Khoa có lượng sách tình huống lớn nhất đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho học tập của sinh viên và hàng năm số lượng đề tài nghiên cứu khoa học được sinh viên lựa chọn thường là lớn nhất. Bên cạnh tài liệu truyền thống như giáo trình, sách tình huống, Khoa Luật Dân sự còn xây dựng thành công kênh học trực tuyến e-learning trên youtube (Khoa Luật Dân Sự E-Learning - Đại học Luật Tp-HCM) với số lượng video (khoảng gần 500 videos), truy cập (hơn 1,2 triệu lượt xem) và số lượng đăng ký rất lớn (gần 13 ngàn) chỉ sau một năm rưỡi kênh ra đời.
Bên cạnh sứ mệnh giáo dục và đào tạo như đã nêu, Khoa Luật Dân sự luôn coi trọng việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật cùng với các cơ quan hữu quan. Chính vì vậy, bên cạnh các sản phẩm phục vụ sinh viên, Khoa Luật Dân sự còn quan tâm đến những sản phẩm khoa học phục vụ thực tiễn, xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Thực tế, rất nhiều quy định đã được ghi nhận trong văn bản quy phạm trên cơ sở đề xuất của thành viên Khoa Luật Dân sự và cũng rất nhiều án lệ đã được Tòa án nhân dân tối cao thông qua xuất phát từ đề xuất của thành viên Khoa Luật Dân sự.
Để có hoạt động tốt với sản phẩm như nêu trên, yếu tố đoàn kết là rất quan trọng và luôn được đề cao. Với những kết quả đạt được, Khoa Luật Dân sự đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng cờ thi đua.
Phương hướng phát triển
Khoa Luật dân sự phấn đấu trở thành một Khoa có tinh thần đoàn kết cao, phát triển và bồi dưỡng nhiều đảng viên, giảng viên trẻ.
Cùng với sự phát triển chung của Trường, Khoa phấn đấu trở thành nơi quy tụ những giảng viên xuất sắc, nhiệt huyết, yêu nghề, có uy tín trong lĩnh vực pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ, tố tụng dân sự, lao động và hôn nhân, gia đình. Cùng với Nhà trường, Khoa Luật Dân sự cố gắng phối hợp tổ chức hàng năm nhiều hội thảo, tọa đàm trong lĩnh vực pháp luật dân sự nhằm tạo ra môi trường giao lưu, chia sẻ và trao đổi học thuật.
Khoa Luật Dân sự sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học ở mọi hệ đào tạo. Đặc biệt, với chính sách đề cao chất lượng đào tạo và đáp ứng nhu cầu của học viên, số lượng đăng ký thi vào chuyên ngành cao học Luật dân sự không ngừng tăng lên trong những năm qua. Trong thời gian tới, ngoài việc phát triển Cao học chuyên ngành Luật dân sự và tham gia chương trình đào tạo thạc sỹ liên kết với nước ngoài, Khoa Luật dân sự sẽ hướng tới đào tạo Tiến sỹ chuyên ngành Luật dân sự.