Sau 15 năm thi hành với 2 lần sửa đổi, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng. Điều này đòi hỏi phải có thêm những sự sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn của Việt Nam và phù hợp với các cam kết quốc tế. Vì lẽ trên, vào ngày 09/10/2021, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” bằnghình thức trực tuyến, thông qua phần mềm Zoom và qua livestream trên facebookTrường Đại học Luật TP.HCM.

.jpg)

Hội thảo khoa học cấp trường “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ: Những vấn đề lý luận và thực tiễn” theo hình thức trực tuyến
Hội thảo đã đón nhận nhiều bài tham luận cũng như sự tham gia của các chuyên gia có uy tín trong và ngoài trường, như Đồng chí Đồng Ngọc Ba - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên Thường trực Uỷ ban pháp luật Quốc hội; Đồng chí Trương Thị Diệu Thúy - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; Đồng chí Hoàng Trí Ngọc - Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội; TS. Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT; Bà Trần Thị Hoà - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; Bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả; các lãnh đạo Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM và các tỉnh, cùng cáchọc giả trên phạm vi cả nước.
Đại diện trường Đại học Luật TP.HCM gồm có PGS.TS. Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Lê Thị Nam Giang – Giám đốc Trung tâm Sở hữu Trí tuệ, Trường Đại học Luật Tp. HCM; TS. Nguyễn Xuân Quang - Phó Trưởng Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM, cùng các giảng viên và sinh viên cóquan tâm.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường nhận thức rõ tầm quan trọng của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 trong hệ thống pháp luật dân sự của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào quan hệ quốc tế như hiện nay. Tuy nhiên, sau 15 năm được ban hành, Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, đòi hỏi cần được sửa đổi, bổ sung ở quy mô lớn. Theo PGS.TS Bùi Xuân Hải, có 03 lý do lớn nhằm giải thích nhu cầu thay đổi: Một là, một số quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không còn phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong các FTAs gần đây; Hai là, nhiều quy định mâu thuẫn với các đạo luật khác do Quốc hội ban hành; Ba là, một số quy định gây nhiều bất cập hoặc không còn phù hợp với thực tiễn khách quan. Vì điều này, PGS.TS Bùi Xuân Hải rất hoan nghênh các ý kiến đóng góp, bài tham luận từ chuyên gia và cá nhân có quan tâm nhằm tạo lập một diễn đàn trao đổi về việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ trong thời gian tới.

PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo
Toàn bộ Hội thảo được diễn ra trong một phiên với 06 bài tham luận được trình bày:
- Tham luận 1: Một số vấn đề về quyền tác giả (QTG) trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và giải pháp hoàn thiện;
- Tham luận 2: Một số góp ý sửa đổi quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về chủ thể của QTG;
- Tham luận 3: Góp ý các quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ;
- Tham luận 4: Bảo hộ nhãn hiệu âm thanh - kinh nghiệm quốc tế và những đề xuất cho Việt Nam;
- Tham luận 5: Góp ý đối với các quy định về quyền đối với giống cây trồng trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ;
- Tham luận 6: Góp ý quy định về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian.

TS. Trần Lê Hồng trình bày bài tham luận của mình
Mở đầu phiên thảo luận, TS. Trần Lê Hồng tập trung giải quyết các vấn đề về QTG trong bối cảnh Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp bản quyền nhằm đóng góp 7% vào GDP tính đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ tiên quyết mà nước ta cần thực hiện trong quá trình hiện nay là hoàn thiện từng chính sách đặc thù về đối tượng QTG. Mặt khác, trong bối cảnh mà đối tượng QTG được tạo ra từ kinh phí nhà nước cũng chưa được sử dụng, khai thác thương mại hiệu quả, TS. Trần Lê Hồng đặt ra vấn đề xây dựng chính sách giao quyền sở hữu đối với một số đối tượng QTG được tạo ra từ kinh phí nghiên cứu của Nhà nước cho tổ chức nghiên cứu. Bằng việc trình bày kinh nghiệm tại một số quốc gia như Nhật Bản và Trung Quốc, TS. Trần Lê Hồng cho rằng nếu việc giao quyền sở hữu đối với kết quả nghiên cứu được thực hiện một cách tự động như kinh nghiệm của nhiều quốc gia, thì tình trạng không giao được quyền sở hữu nêu trên sẽ không còn. Ngoài ra, việc hiểu rõ các nội dung điều chỉnh pháp luật cũng là một vấn đề được TS. Trần Lê Hồng quan tâm, thể hiện qua việc đánh giá cách sử dụng thuật ngữ về QTG trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Trong phiên thảo luận này, các vị khách mời, diễn giả cũng đưa ra nhiều góp ý về chủ thể của QTG. Trong bài tham luận của mình, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến - Trường Đại học Luật Hà Nội cho biết một trong những bất cập về vấn đề này là việc chỉ quy định khái niệm tác giả và đồng tác giả trong văn bản dưới luật, mà lại thiếu vắng các quy định liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Về định nghĩa đồng tác giả, pháp luật Việt Nam chỉ đưa ra một tiêu chí duy nhất để xác định đồng tác giả là “cùng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm”. Do vậy, PGS.TS Vũ Thị Hải Yến cho rằng quy định hiện hành chưa phân định giữa đồng tác giả với tập thể tác giả, cũng như chưa quy định QTG đối với tác phẩm đồng tác giả được thực hiện như thế nào. Mặc dù Dự thảo đã đưa ra 03 tiêu chí nhằm xác định đồng tác giả, điều này vẫn chưa đủ để làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả như thế nào.
.jpg)
PGS.TS Lê Thị Nam Giang trong phiên thảo luận về vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng
Tiếp đó, PGS.TS Lê Thị Nam Giang đã có những chia sẻ rất sâu sát về một số vướng mắc liên quan đến bảo hộ một số đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Đối với vấn đề bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng, PGS.TS Lê Thị Nam Giang cho biết, hiện nay chưa có bất kỳ một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam. Điều này xuất phát từ các bất cập trong quá trình soạn thảo, ban hành pháp luật sở hữu trí tuệ, chẳng hạn như sự thiếu vắng nhiều quy định về trình tự, thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng, tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng tại Điều 75 Luật SHTT chưa phù hợp để áp dụng, về thẩm quyền công nhận nhãn hiệu nổi tiếng chưa rõ ràng… Ngoài ra, PGS.TS Lê Thị Nam Giang cũng cho rằng quy định sửa đổi Điều 88 trong Dự thảo là chưa thực sự phù hợp. Cụ thể, chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam theo quy định của Luật SHTT là nhà nước Việt Nam, trong khi Dự thảo quy định nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Do vậy, PGS.TS Lê Thị Nam Giang kiến nghị loại bỏ quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với nhóm chủ thể là tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, kể từ khi Hiệp định CPTPP được Quốc hội phê chuẩn và có hiệu lực ở Việt Nam, nghĩa vụ bảo hộ nhãn hiệu âm thanh được xác định là một trong những vấn đề mới cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Sở hữu trí tuệ. Bằng việc giới thiệu kinh nghiệm lập pháp về nhãn hiệu âm thanh tại một số quốc gia phát triển, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ đã có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích nhằm phục vụ cho công tác sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ sắp tới. Cụ thể, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh đưa ra một số dấu hiệu âm thanh được sử dụng, bảo hộ nhãn hiệu như âm nhạc và âm thanh khác không phải là âm nhạc. Mặt khác, 02 tiêu chuẩn bảo hộ nhãn hiệu âm thanh (tính phân biệt và tính phi chức năng) cũng được TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh tiến hành phân tích trong phiên thảo luận này.
Liên quan đến quyền đối với giống cây trồng, TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng đưa ra rất nhiều góp ý sửa đổi, bổ sung đối với Dự thảo. Một trong số những ý kiến này là vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh tại khoản 3 Điều 3 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, trong đó quy định mở rộng đối tượng quyền đối với giống cây trồng tại Dự thảo 2.0 Luật SHTT đã bị bỏ hoàn toàn trong Dự thảo 5.0 Luật SHTT. Theo quan điểm của TS. Nguyễn Hồ Bích Hằng, việc loại bỏ hoàn toàn quy định điều chỉnh về đối tượng quyền đối với giống cây trồng trong Dự thảo 5.0 là một sự thiếu sót đáng tiếc khi xét đến tầm quan trọng của giống cây trồng mang lại cho nền kinh tế của Việt Nam.

ThS. Nguyễn Phương Thảo trình bày bài tham luận của mình
Cuối cùng, khi bàn về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, ThS. Nguyễn Phương Thảo đánh giá cao sự quan tâm của các nhà làm luật khi lần đầu tiên quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ QTG và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông trong Luật Sở hữu trí tuệ. Sau khi phân tích các trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong pháp luật hiện hành cũng như trong Dự thảo 5.0, ThS. Nguyễn Phương Thảo nhấn mạnh rằng việcphạm vi trách nhiệm và miễn trừ trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với việc truyền tải tác phẩm để môi trường bảo hộ QTG Việt Nam lành mạnh và hạn chế hành vi xâm phạm là một vấn đề cần quan tâm hơn trong quá trình sửa đổi Luật Sửa đổi trí tuệ.
Kết thúc Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải tổng kết lại các kết quả đạt được trong phiên thảo luận vừa rồi. Qua đó, PGS.TS Bùi Xuân Hải gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các vị khách mời cũng như thành viên của Ban tổ chức chương trình vì những đóng góp quý báu trong công tác tổ chức Hội thảo.
Nội dung: Thu Hương
Hình ảnh: Thảo My, Lê Tiến
Ban Truyền thông Ulaw